Lịch sử Vương_quốc_Bột_Hải

Thành lập

Bột Hải được nhắc tới sớm nhất trong tài liệu Cựu Đường thư - biên soạn trong năm 941-945. Miền Nam Mãn Châu cùng với cực Bắc của Triều Tiên trước đây thuộc về quốc gia Cao Câu Ly, một trong ba thế lực lớn thời Tam Quốc Triều Tiên. Năm 668, nhà nước Cao Câu Ly diệt vong trước cuộc tấn công của nhà ĐườngTân La. Tân La sáp nhập vùng đất ở phía Nam sông Đại Đồng vào lãnh thổ của mình và trở thành Tân La Thống nhất, còn nhà Đường thì đoạt lấy vùng lãnh thổ nằm ở phía Tây Mãn Châu.

Trong thời gian này, Đại Trọng Tượng (大仲象, Tae Chungsang), một bộ tướng cũ[2] của Cao Câu Ly[3] và là thủ lĩnh của khối cư dân Cao Câu Ly còn sót lại sau khi quốc gia này bị diệt vong, liên minh với thủ lĩnh của người Mạt Hạt là Khất Tứ Bỉ Vũ (乞四比羽) và cùng khởi nghĩa chống lại nhà Đường vào năm 698. Cả Đại Trọng Tượng và Khất Tứ Bỉ Vũ đều bị quân Đường giết chết, nhưng con trai của Tượng là Đại Tộ Vinh (大祚榮, 대조영, Tae Choyŏng), một cựu tướng của Cao Câu Ly[4][5] tiếp tục lãnh đạo liên quân Cao Câu Ly - Mạt Hạt chống lại nhà Đường. Quân đội nhà Đường do Lý Giai Cố (李楷固) chỉ huy cuối cùng cũng bị Tộ Vinh đánh bại trong trận núi Thiên Môn. Sau cùng, Tộ Vinh cũng đã có thể xây dựng một quốc gia độc lập tại vùng đất Ấp Lâu (挹婁) cũ.[6]

Bành trướng và quan hệ đối ngoại

Vua thứ hai của Bột Hải, Vũ Vương (719-737), cảm thấy đất nước của mình bị bao vây bởi các thế lực của nhà Đường, Tân La và tộc người Hắc Thủy Mạt Hạt ở khu vực Hắc Long Giang; ông đã tấn công nhà Đường bằng thủy quân và đã giết chết một quan thái thú nhà Đường ở bán đảo Sơn Đông.[7] Tuy nhiên sau đó hai nước đã ký hòa ước, với điều kiện Bột Hải phải cống nạp cho nhà Đường. Vị vua sau này là Văn Vương cũng sai sứ tới thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản hòng gây sức ép với địch thủ Tân La ở mặt Nam. Bột Hải và Nhật Bản giữ vững quan hệ này trong suốt thời kỳ tồn tại của Bột Hải; và ta cũng thấy là trong cả giai đoạn này, Bột Hải sai sứ giả sang Nhật Bản cả thảy 34 lần, trong khi Nhật Bản chỉ sai sứ giả sang có 13 lần.[8] Và vì nằm liền kề nhiều thế lực hùng mạnh khác nhau, có thể xem Bột Hải như một cái đệm giữa các thế lực trong vùng.

Vua thứ ba của Bột Hải là Văn Vương (737-793) mở rộng lãnh thổ của Bột Hải đến lưu vực Hắc Long Giang ở phía Bắc và khu vực phía Bắc của bán đảo Liêu Đông ở phía Nam. Trong thời kỳ trị vì của ông, Tân La đạo (Sillado), con đường giao thương buôn bán giữa Cao Câu Ly với Tân La đã được thiết lập. Trong thời kỳ trị vì của mình, Văn Vương đã dời đô vài lần. Năm 755, ông lập ra thành phố Thượng Kinh, một trong những kinh đô của Bột Hải, tọa lạc tại khu vực gần hồ Kính Bạc ở Nam phần của tỉnh Hắc Long Giang ngày nay. Ông cũng ổn định và tăng cường sức mạnh của triều đình Bột Hải, tăng cường sự khống chế của triều đình trên nhiều dân tộc cùng sống chung trong vương quốc - đang được tạm thời mở rộng. Ông cũng là người lập ra Trụ Tử Giám (胄子監, 주자감, chuchakam), học viện quốc gia của Bột Hải dựa trên Quốc tử giám của nhà Đường. Mặc dù nhà Đường chỉ công nhận ông là Vương, Văn Vương vẫn tự xưng mình là Hoàng đế, là Thiên tôn (天孫, 천손, Ch'ǒnson), con cháu của Trời.[9]

Dưới triều vua thứ mười - Tuyên Vương (818-830), Bột Hải nắm quyền kiểm soát một lãnh thổ bao gồm phần phía Bắc bán đảo Triều Tiên, Đông Bắc Mãn Châu và khu vực Primorsky Krai của Nga ngày nay. Những chiến dịch của Tuyên Vương đã chinh phục được nhiều bộ tộc Mạt Hạt và cả vương quốc Tiểu Cao Câu Ly - một quốc gia do những thành viên vương tộc Cao Câu Ly lập nên tại bán đảo Liêu Đông sau khi Cao Câu Ly sụp đổ. Sức ép từ thế lực Bột Hải đã khiến Tân La phải xây dựng tường thành ở biên giới phía Bắc giáp với Bột Hải vào năm 712, và quân đội Tân La ở đây cũng phải thường xuyên trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Sụp đổ và di sản

Văn bia Bột Hải tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc.

Theo truyền thống, các sử gia tin rằng xung đột sắc tộc giữa những người Triều Tiên nắm quyền lực và người Mạt Hạt đã làm suy yếu vương quốc.[10] Các nghiên cứu gần đây khẳng định sự sụp đổ của Bột Hải chủ yếu là do núi Trường Bạch (Baekdu, Bạch Đầu trong tiếng Triều Tiên) đã phun trào núi lửa một cách khủng khiếp vào thế kỷ thứ X, ngọn núi khi đó nằm ở trung tâm của vương quốc. Núi Trường Bách hiện vẫn có một trong các hõm chảo núi lửa lớn nhất thế giới là Thiên Trì. Tro tàn của vụ phun trào này có thể tìm thấy trên một khu vực rộng lớn, thậm chí là trong lớp trầm tích tại miền bắc Nhật Bản. Vụ nổ đã tạo ra một số lượng rất lớn tro núi lửa, gây thiệt hại nông nghiệp và tính ổn định của xã hội.

Cuối cùng, Bột Hải đã không chống đỡ nổi Khiết Đan, một thế lực nổi lên ở vùng Liêu Tây (phía đông Bắc Kinh hiện nay). Sau khi diệt Bột Hải vào năm 926, Khiết Đan lập nên vương quốc bù nhìn Đông Đan, vào không lâu sau dó bị sáp nhập vào Liêu năm 936. Một số quý tộc Bột Hải đã chuyển tới Liêu Dương song phần lãnh thổ phía đông của vương quốc vẫn có nền chính trị độc lập. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 927, nhiều cuộc nổi dậy đã nổ ra. Những cuộc nổi dậy này cuối cùng đã biến thành các cuộc chiến nhằm phục quốc Bột Hải. Tuy nhiên chỉ có ba là thành công và lập nên các vương quốc: Hậu Bột Hải, Định An Quốc, Hưng Liêu. Tuy nhiên cả ba sau đó đều bị nhà Liêu tiêu diệt.

Năm 934, Đại Quang Hiển (Dae Gwang-hyeon), đã nổi dậy chống lại Khiết Đan. Sau khi thất bại, ông cùng nhiều người dân, gồm cả quý tộc đã chạy trốn tới Cao Ly ở phía nam, một thực thể mới cũng tự xưng là kế tục của Cao Câu Ly (934). Nhiều hậu duệ của hoàng tộc Bột Hải tại Cao Ly đã đổi họ thành Thái (Tae, 태, 太) trong khi Thái tử Đại Quang Hiển đổi sang họ Vương (Wang, 왕, 王), tên của hoàng tộc Cao Ly. Điều này đã dẫn đến việc nhà Liêu cắt quan hệ ngoại giao với Cao Ly song không đe dọa xâm lược.[11] Bột Hải là quốc gia cuối cùng trong lịch sử Triều Tiên nắm giữ bất kể một lãnh thổ đáng kể nào tại Mãn Châu, mặc dù các triều đại Triều Tiên tiếp theo tiếp tục coi mình là người thứa kế của Cao Câu Ly và Bột Hải. Hơn nữa, đó là sự bắt đầu của việc mở rộng lên phía bắc của các triều đại Triều Tiên sau này.

Người Khiết Đan cuối cùng cũng bị người Nữ Chân đánh bại, tức những người là hậu duệ của nhà Kim. Người Nữ Chân tuyên bố nguồn gốc chung của người Bột Hải và Nữ Chân là từ bảy bộ lạc vật cát (勿吉), và tuyên bố"Nữ Chân và Bột Hải là cùng một gia đình". Các hoàng đế thứ 4,5 và 7 của nhà Kim đều có phối ngẫu Bột Hải. Theo thống kê vào thế kỷ XIII của người Mông Cổ ở miền bắc Trung Quốc, người Bột Hải được phân biệt với các sắc dân khác như Cao Ly, Khiết Đan và Nữ Chân. Điều này cho thấy người Bột Hải vẫn còn lưu giữ bản sắc của mình ngay cả sau khi vương quốc bị chinh phục.